Phân tích bài thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội năm 2022
Thứ tư, 23/11/2022, 08:33 AM
Chia sẻ
Đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022 tích hợp 7 môn học với 150 câu trắc nghiệm (trong đó có 132 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với 4 lựa chọn A, B, C hoặc D và 18 câu hỏi dạng điền đáp án) với tổng thời lượng làm bài là 195 phút.
1. Về hình thức, đề thi gồm 3 phần như sau:
Phần 1: Tư duy định lượng (Môn Toán) với 50 câu hỏi và thời gian làm bài 75 phút.
Phần 2: Tư duy định tính (Môn Văn) với 50 câu hỏi làm bài trong 60 phút.
Phần 3: Khoa học (tổng hợp các môn Sử, Địa, Lí, Hóa, Sinh) với mỗi môn 10 câu và thời gian làm bài 60 phút.
Về nội dung, đề thi có câu bài tập đảm bảo đầy đủ cả về mặt kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp dữ, kiện số liệu và các công thức cơ bản.
Sau đây là một số bí quyết được chia sẻ lại giúp các bạn có thể đạt kết quả cao trong các kỳ thi ĐGNL sắp tới.
1.1. Đối với phần Tư duy định lượng – Lĩnh vực Toán học
Phần thi này gồm 50 câu hỏi về lĩnh vực Toán học. Khác với đề thi tốt nghiệp THPT, đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội bao gồm kiến thức ở cả 2 cấp THCS (lớp 9) và THPT (lớp 10, 11, 12), tuy nhiên phần lớn vẫn tập trung vào kiến thức lớp 12. Thí sinh sẽ phải hoàn thành hết 50 câu hỏi này trong vòng 75 phút, tức là trung bình 1,5 phút/câu (nhanh hơn đề thi tốt nghiệp THPT).
Câu hỏi được thiết kế dưới dạng trắc nghiệm khách quan và điền đáp án.
Như vậy có thể thấy, để làm tốt bài thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội, học sinh cần có kiến thức rộng hơn (từ lớp 9 đến lớp 12), có kĩ năng làm bài và tốc độ làm bài nhanh hơn so với những kỳ thi đơn thuần. Chính vì vậy, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi này, có một vài lời khuyên đối với các sĩ tử như sau:
Thứ nhất, ôn tập tốt toàn bộ các kiến thức lớp 12, luyện thật nhiều đề thi thử để chắc chắn các dạng bài thường gặp, có thể luyện tập theo từng chuyên đề và chú trọng hơn vào những phần mình còn chưa tốt.
Thứ hai, ôn tập các kiến thức ở lớp dưới, trước tiên hãy luyện các dạng bài xuất hiện trong đề thi tham khảo thật thành thạo, sau đó là luyện các dạng bài tập khác với đề tham khảo để tránh học tủ.
Thứ 3, làm đề thi thử đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội để quen với cầu trúc đề, dạng câu hỏi và tốc độ làm bài.
Thứ 4, thí sinh nên bấm thời gian và hoàn thành phần thi Tư duy định lượng đúng trong 75 phút, để giảm áp lực về thời gian và tránh bỡ ngỡ khi bước vào phòng thi.
Thứ 5, hãy làm những câu dễ trước, những câu khó sau làm sau tránh mất thời gian. Đối với những câu hỏi khó, cần phát huy hết khả năng tư duy trong quá trình ôn tập, bên cạnh việc làm đề tham khảo, hãy tìm thêm thật nhiều bài tập, hoặc tư duy nhiều hướng để giải quyết bài toán. Vấn đề cấu trúc bài thi, thời gian làm bài, dạng câu hỏi có thể là vấn đề gây trở ngại nhất đối với thí sinh, hi vọng những bí quyết trên sẽ giúp các bạn đạt kết quả thật tốt nhé!
1.2. Đối với phần Tư duy định tính – Lĩnh vực Ngữ văn
Phần Tư duy định tính trong bài thi đánh giá năng lực ĐHQG HN gồm 50 câu hỏi tập trung vào chương trình lớp 11 và lớp 12. Trong đó có các dạng bài cơ bản:
Dạng đọc hiểu: Từ câu 51 đến 70: Đối với dạng bài này, các bạn nên đọc khái quát một lượt rồi đọc ngay xuống phần câu hỏi để tìm dữ liệu cho câu trả lời trong bài. Những câu hỏi mang tính chất nhận biết như phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt… các bạn nên vận dụng kiến thức đã học dựa vào nội dung, ngôn từ trong văn bản để xác định. Đối với những câu hỏi mang tính chất thông hiểu vận dụng các bạn khoanh vùng nội dung rồi loại trừ các đáp án.
Dạng tìm lỗi sai: Từ câu 71 đến 75. Ở dạng bài này chủ yếu tập trung vào kiến thức tiếng việt (nghĩa của từ, chính tả, ngữ pháp…) Các bạn chú ý đọc bao quát để nắm được nội dung, chú ý các từ đứng trước và đứng sau của từ được gạch chân để tìm lỗi sai. Lưu ý kiến thức về từ đồng âm, đồng nghĩa không hoàn toàn và một số từ hay dùng sai.
Dạng tìm từ khác loại: Từ câu 76 đến 78. Dạng bài này chú trọng vào kiến thức về từ đồng âm, loại từ, nghĩa của từ. Các bạn khi làm dạng bài này hãy chú ý tìm điểm chung giữa các từ trong phần đáp án rồi dùng phương pháp loại trừ.
Dạng tác giả tác phẩm: Từ câu 79 đến 80.
Câu 79 hỏi về tác giả: Để làm được dạng bài này phải nắm được kiến thức về tác giả, về thời kì, phong cách nghệ thuật đặc trưng, sự nghiệp, đề tài nổi bật của tác giả, giai đoạn sáng tác.
Câu 80 hỏi về tác phẩm: Các bạn chú ý đến giai đoạn ra đời, thể loại, phong cách ngôn ngữ của tác phẩm, trường phái.
Dạng điền từ: Từ câu 81 đến 85. Đối với dạng bài này phải chú ý nội dung của câu văn để có thể lựa chọn từ ngữ, từ nối sao cho phù hợp với nội dung. Ngoài ra dạng này còn có những câu nội dung liên quan đến kiến thức tác phẩm. Đó có thể là đánh giá, nhận định về tác giả, tác phẩm bất kì trong chương trình THPT. Hãy vận dụng cả những kiến thức phần văn bản vào để làm dạng này.
Dạng đọc hiểu tác phẩm: Từ câu 86 đến 100. Ở phần này dữ liệu hoàn toàn là các tác phẩm có trong chương trình THPT. Vì thế, các bạn hãy nắm chắc kiến thức về nội dung, biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm, các chi tiết, hình ảnh liên quan, giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Chú ý đọc kỹ các đáp án tránh nhầm lẫn vì sẽ có những đáp án gần giống nhau. Lưu ý: Không để trống đáp án. Bài thi dưới dạng trắc nghiệm vì vậy các bạn tuyệt đối không bỏ trống, thay vào đó hãy lựa chọn đáp án mà các bạn cho rằng đó là đáp án hợp lý nhất. Tránh mất điểm đáng tiếc.
1.3. Đối với phần: Tư duy định tính – Lĩnh vực Khoa học tự nhiên và xã hội
Ở phần này gồm 50 câu hỏi của 5 môn học: Lịch sử ,Địa lí, Vật lý, Hóa học và Sinh học.
1.3.1. Đối với môn Lịch sử – các bạn ôn tập kĩ kiến thức nền tảng lớp 11 và lớp 12 (trọng tâm là kiến thức lớp 12). Đối với kiến thức lớp 11, tập trung vào các nội dung lớn như:
Với cả 2 phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam thuộc lớp 11 và 12: Ôn nội dung trọng tâm các bài học. Các bạn nên xâu chuỗi và liên hệ kiến thức của hai phần lịch sử với nhau. Điều này giúp hệ thống kiến thức, nhớ lâu hơn và nhất là loại nhanh các đáp án không chính xác. *Lưu ý:
Khi ôn tập không cần quá đi sâu vào các chi tiết nhỏ mà hãy chú trọng các vấn đề trọng tâm.
Đọc kĩ xác định mức độ câu hỏi và phân chia thời gian làm bài hợp lí: Câu dễ làm trước, các câu khó làm sau.
Vận dụng linh hoạt các phương pháp: Phân tích, đánh giá, so sánh, liên hệ các sự kiện, vấn đề lịch sử để loại nhanh các đáp án gây nhiễu. Trường hợp phân vân giữa các đáp án hãy bình tĩnh, đọc lại đề bài xác định các từ chìa khóa của câu hỏi. Sau đó, phân tích, loại trừ các đáp án không phù hợp với yêu cầu. Cuối cùng, chọn được đáp án phù hợp.
Ngoài những kiến thức cơ bản, cần liên hệ tình hình thực tế của Việt Nam để trả lời các câu hỏi mở rộng.
1.3.2. Với môn Địa lý – sẽ có 10 câu hỏi, phạm vi kiến thức nằm trong môn Địa lý 11, 12.
Kiến thức có trong Địa lý 11: có 2/10 câu thuộc chuyên đề địa lý các quốc gia và khu vực trên thế giới.
Kiến thức có trong Địa lí 12: câu hỏi được phân bổ đều ở 4 chuyên đề: Địa lý dân cư, Địa lý tự nhiên, Địa lý các ngành kinh tế và Địa lý các vùng kinh tế.
Có 2 câu hỏi về kỹ năng: gồm kỹ năng làm việc với bảng số liệu/biểu đồ và Atlat Địa lí Việt Nam. Nhìn chung, các câu hỏi môn Địa lý có cấu trúc gần giống với đề thi tốt nghiệp THPT, nội dung bám sát SGK, đòi hỏi nắm chắc kiến thức cơ bản.
1.3.3. Với phần Vật lý – gồm 10 câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11 và 12, trong đó kiến thức được trải đều toàn bộ chương trình học.
Kiến thức có trong Lớp 11: thuộc các chương: Dòng điện trong các môi trường, Khúc xạ ánh sang, Từ trường.
Kiến thức có trong Lớp 12: thuộc 7 chương của Vật Lí 12.
Từ câu 121 đến 129 là câu hỏi trắc nghiệm. Các câu này giống trong đề thi tốt nghiệp THPT. Đối với câu hỏi trắc nghiệm khách quan thì điều quan trọng nhất là thí sinh phải kiểm soát thời gian làm bài bằng cách phân bổ thời gian đọc hiểu đầu bài, từng câu hỏi trước khi lựa chọn đáp án. Các câu này kiến thức không hẳn quá khó, nên để làm được những câu này cần nắm chắc kiến thức cơ bản và làm nhiều dạng bài tập. Các bạn có thể tham khảo đề thi của các năm trước.
Câu 130 là một câu về điện xoay chiều, một dạng toán khá phổ biến trong đề thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên với hình thức điền đáp án buộc thí sinh phải giải và tìm ra đáp án chính xác nhất mà không thể sử dụng phương pháp loại trừ như đối với câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn thông thường. Một điểm quan trọng đó là trong đề xuất hiện nhiều câu hỏi đồ thị, vì vậy học sinh cần rèn luyện kỹ năng đọc và khai thác thông tin từ đồ thị bằng việc làm nhiều đề thi thử.
1.3.4. Với môn Hóa học – dựa vào đề thi minh họa năm 2021, ta thấy phần kiến thức trong đề thi ĐGNL ĐHQG HN gồm 10 câu thuộc cả 3 chương trình môn Hóa học THPT.
Kiến thức có trong Lớp 10: Thuộc chương 7 – Tốc độ phản ứng và cân bằng hóa học. Các bạn nên tập trung vào dạng bài về các yếu tố ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cân bằng hóa học.
Kiến thức có trong Lớp 11: thuộc chương 1, chương 2 và bài tập tổng hợp về hidrocacbon. Kiến thức khá dàn trải vậy nên cần nắm vững lý thuyết chương trình lớp 11 để vận dụng giải các câu này.
Kiến thức có trong Lớp 12:
Chương 1. Câu lý thuyết nằm ở phần thí nghiệm liên quan đến este và chất béo. Dạng bài này không có tính toán mà ở dưới dạng lý thuyết nên đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc bản chất của phản ứng và kĩ năng thực hành mới làm tốt được. Vì vậy mặc dù câu hỏi rất dễ nhưng cũng rất khó nếu các bạn không học kĩ sẽ bị mất điểm phần này.
Câu tính toán là câu vận dụng cao về este. Cần vận dụng linh hoạt các định luật như: bảo toàn nguyên tố, bảo toàn khối lượng, phương pháp trung bình, biện luận đặc biệt là phương pháp quy đổi, … để giải được bài tập này.
Chương 3: Trọng tâm rơi vào các dạng bài tập tính toán: cho amino axit tác dụng với dung dịch axit hoặc kiềm hoặc cả axit và kiềm, amin phản ứng với dung dịch axit, phản ứng thủy phân peptit.
Chương 4: Ở chương này thường là các câu dễ lấy điểm nhất, do đó các bạn nên học kĩ nội dung của chương này.
Chương 6: Đây là một câu hỏi về phần chuẩn độ trong phòng thí nghiệm, cần có sự tư duy và liên hệ kiến thức với thực tế.
Chương 7: Một câu hỏi đồ thị về quá trình nhiệt phân muối ngậm nước, khá mới lạ nên đòi hỏi cần hiểu được bản chất của phản ứng và khả năng đọc và phân tích dữ liệu. Nhìn chung, các câu hỏi trong đề minh họa này gần giống các câu trong đề thi tốt nghiệp THPT và sẽ có khoảng 2 – 3 câu mới lạ, cần có sự kết nối giữa kiến thức và thực tế.
1.3.5. Cuối cùng là môn Sinh học – gồm 10 câu thuộc 2 dạng:
Trắc nghiệm: 9 câu chủ yếu ở dạng lý thuyết nằm trong chương trình lớp 11 và 12, trong đó lớp 11 có khoảng 4 câu. Các câu hỏi thuộc mức thông hiểu, nhận biết, yêu cầu thí sinh nhớ và hiểu được kiến thức.
Điền đáp án: 1 câu. Thường là dạng bài tập tính toán, có thể thuộc phần cơ chế di truyền và biến dị, di truyền quần thể, di truyền người, các quy luật di truyền. Câu hỏi không cho sẵn đáp án mà thí sinh phải tính toán ra kết quả. Câu hỏi này yêu cầu thí sinh vận dụng được kiến thức để giải bài tập.
2. Để có thể làm tốt bài thi bài thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội thí sinh cần
Ôn lại tổng quát kiến thức về lý thuyết và liên hệ được các kiến thức với nhau. Khi làm bài cần bình tĩnh, đọc kĩ câu hỏi và các đáp án, rèn luyện tư duy giải bài tập.
Trên đây là một số phân tích đề thi và chia sẻ các kiến thức trọng tâm cần ôn thi, mong các bạn có phương pháp luyện thi phù hợp và đạt được kết quả cao trong kì thi ĐGNL ĐHQG Hà Nội nhé!!!