
Mâu thuẫn trên mạng xã hội, học sinh cần làm gì?
Thứ tư, 23/4/2025, 02:29 AM
Sau buổi sinh hoạt liên quan đến chủ đề "Phòng, chống bạo lực học đường", học sinh nhận ra nhiều bài học quý báu về ứng xử trong môi trường học đường, mạng xã hội.
Sau buổi sinh hoạt liên quan đến chủ đề "Phòng, chống bạo lực học đường", học sinh nhận ra nhiều bài học quý báu về ứng xử trong môi trường học đường, mạng xã hội.
Sáng 21/4, Chi đoàn Tòa án nhân dân quận 6 (TPHCM) phối hợp cùng Trường THPT Nguyễn Tất Thành và Quận Đoàn 6 tổ chức phiên tòa giả định vụ án liên quan đến vụ việc bạo lực học đường, với mục đích giáo dục cho học sinh biết cách bảo vệ bản thân, tôn trọng pháp luật và lên án những hành vi trái với đạo đức, pháp luật.
Theo tình huống giả định được đặt ra tại một ngôi trường THPT trên địa bàn quận 6, trong thời gian sử dụng mạng xã hội Facebook, Nguyễn Ngọc Anh Thư (học sinh lớp 12A3) có thấy bài viết ẩn danh trên mạng xã hội nói xấu về mình.
Lập tức, Thư nghĩ rằng Trần Đức Minh (học sinh lớp 12A7) là người đứng phía sau vụ việc nói xấu về mình. Sau đó, Thư đã kể cho bạn Trương Thanh Hiếu (học sinh lớp 12A2) để tìm cách xử lý.
Sáng hôm sau, trong giờ ra chơi, Thư rủ Hiếu đến lớp 12A7 tìm Minh để đối chất. Khi đến phòng học lớp 12A7, thấy Minh đang ngồi tại bàn, Thư bước đến chất vấn.
Khi Minh vừa trả lời bài viết đó không phải là do Minh viết, lập tức Hiếu cầm ghế nhựa để tại phòng học đánh liên tiếp vào đầu, mặt của Minh, gây thương tích ở vùng trán phải, cằm trái.
Theo kết luận giám định y khoa, Minh bị chấn thương vùng trán trái đã được điều trị khâu vết thương, tỉ lệ thương tích 12%.
Viện kiểm sát nhân dân quận 6 ban hành cáo trạng truy tố Trương Thanh Hiếu về tội "Cố ý gây thương tích" theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, đồng thời cùng gia đình bồi thường cho bị hại số tiền 20 triệu đồng.
Sau quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa và căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án, HĐXX quyết định xử phạt bị cáo Trương Thanh Hiếu mức án 1 năm 6 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích". Đồng thời, quyết định tịch thu tiêu hủy chiếc ghế nhựa được sử dụng làm hung khí, buộc bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí sơ thẩm.
Sau khi tham dự phiên tòa giả định, em Nguyễn Minh Hân (lớp 10A7) rút ra được nhiều bài học về việc ứng xử, giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa các bạn bè đồng trang lứa.
"Trên không gian mạng hay kể cả ngoài đời, nếu có những xích mích, hiểu lầm, em nghĩ các bạn nên bình tĩnh ngồi xuống nói chuyện, tìm cách giải quyết.
Các bạn có thể nhờ thầy, cô để nhận sự hỗ trợ, tư vấn và đưa ra cách giải quyết đúng cho các vấn đề. Bên cạnh đó, các bạn học sinh nên biết kiềm chế cảm xúc của bản thân, không để sự bồng bột, nóng giận khiến hành động mất kiểm soát, gây ra hậu quả đáng tiếc như vụ việc trong phiên tòa giả định", Minh Hân nói.
Trong những năm trở lại đây, tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra ở một số trường học, cơ sở giáo dục trên cả nước.
Để ngăn chặn tình trạng này, thầy Mạch Văn Công, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành, cho biết cách tốt nhất là nâng cao ý thức của học sinh thông qua những buổi sinh hoạt ngoại khóa. Những phiên tòa giả định sẽ giúp tuyên truyền, răn đe học sinh phải có cách ứng xử văn minh trong môi trường học đường.
Tin tức liên quan
Thứ ba, 13/6/2023, 10:07 AM
Thứ tư, 3/8/2022, 08:13 AM
Thứ sáu, 26/8/2022, 07:54 AM
Thứ tư, 3/8/2022, 06:46 AM