
Trường Nguyễn Tất Thành tăng chỉ tiêu, giảm điểm cộng lớp 6, 10
Thứ ba, 8/4/2025, 04:02 AM
Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành tuyển 320 học sinh lớp 6 và 440 học sinh lớp 10, tăng khoảng 40-50 em mỗi khối.
Số học sinh lớp 12 chọn thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, Địa lý thường chiếm 40-50% tổng số, áp đảo so với các môn tự nhiên, theo khảo sát của nhiều địa phương.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 diễn ra với 4 môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Văn. Với hai môn còn lại, học sinh chọn từ các môn được học ở lớp 12, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Nhiều địa phương cho hay đã tổ chức khảo sát, thi thử tốt nghiệp và thống kê lựa chọn của học sinh lớp 12.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hôm 8/4 cho biết đợt khảo sát được tổ chức cuối tháng 3 với hơn 117.000 học sinh lớp 12. Môn được nhiều thí sinh lựa chọn nhất là Tiếng Anh với 61.000, tương đương 52%. Kế đó, Lịch sử và Địa lý lần lượt có hơn 47.500 và 45.000 lượt dự thi, chiếm 40-38% tổng thí sinh.
Số lượng chọn các môn này đông áp đảo nhóm tự nhiên, như Vật lý với gần 33.000 thí sinh lựa chọn, chiếm 28%; Hóa học và Sinh học lần lượt 13 và 3%.
Xu hướng này cũng diễn ra ở TP Huế. Trong đợt thi thử tốt nghiệp hôm 10-11/4, gần 38% trong 13.400 học sinh chọn thi Lịch sử; 34% chọn Tiếng Anh và 31% thi Địa lý.
Với nhóm tự nhiên, duy nhất Vật lý có trên 30% học sinh lựa chọn, Hóa học 22% và Sinh học 8%.
Lãnh đạo ngành giáo dục một địa phương khác ở phía Bắc cũng cho biết hơn một nửa học sinh lớp 12 dự kiến chọn Lịch sử và Địa lý là môn lựa chọn thi tốt nghiệp. Trong khi đó, tỷ lệ ở môn Vật lý xấp xỉ 30%, Hóa học gần 20%, còn Sinh học hơn 3%.
Tỉnh Bắc Giang không thống kê theo môn lẻ, mà khảo sát lựa chọn của học sinh theo cặp tổ hợp. Lịch sử và Địa lý là tổ hợp được chọn nhiều nhất với hơn 7.300 thí sinh, chiếm 31% trong gần 23.400 học sinh lớp 12.
Vật lý và Hóa học đứng thứ hai với 15%, còn lại hầu hết là cặp tổ hợp có các môn xã hội, như Địa lý - Giáo dục kinh tế và pháp luật (13%), Lịch sử - Ngoại ngữ, Lịch sử - Giáo dục kinh tế và pháp luật (6% mỗi cặp)...
Ở cả 4 địa phương nói trên, chỉ vài thí sinh dự kiến chọn thi tốt nghiệp bằng môn Tin học, Công nghệ (Nông nghiệp, Công nghiệp).
Việc chênh lệch giữa số học sinh chọn thi tốt nghiệp môn xã hội so với tự nhiên đã diễn ra nhiều năm nay. Riêng năm 2024, hơn 670.000 trong khoảng một triệu em chọn bài tổ hợp khoa học xã hội, tương đương 63% và cao nhất 7 năm qua.
Lý giải, cán bộ một Sở Giáo dục và Đào tạo phía Bắc cho biết Lịch sử và Tiếng Anh là hai môn bắt buộc trong chương trình mới, nên em nào cũng được học. Cùng đó, nhiều học sinh xét tuyển bằng tổ hợp D01 (Văn, Toán, Tiếng Anh) nên ngoài ba môn này, các em chỉ cần thi thêm một môn nữa. Nhóm này thường chọn Lịch sử, Địa lý hoặc Giáo dục kinh tế và Pháp luật để không quá áp lực.
Chia sẻ với VnExpress hồi tháng 12/2024, TS Nguyễn Phụ Hoàng Lân, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, còn cho rằng việc nhiều học sinh chọn môn xã hội có thể xuất phát từ tính toán cơ hội vào đại học, bởi nhiều em cho rằng những môn này dễ đạt điểm cao. Ngoài ra, ông thấy nhiều học sinh có tâm lý sợ các môn tự nhiên.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng về môn thi tốt nghiệp của học sinh, các địa phương có nhiều hình thức hỗ trợ ôn tập.
Như Hà Nội, ngoài học ở trường, học sinh có thể học qua truyền hình và thông qua ứng dụng Hanoi On. Ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông của Sở, yêu cầu giáo viên rà soát và phân loại học sinh theo trình độ để có phương án bồi dưỡng hiệu quả. Sở cũng lưu ý thầy cô về dạng câu hỏi đúng/sai trong đề thi theo cấu trúc mới để học sinh tránh mất điểm.
Ở Huế, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hưng cho biết yêu cầu các trường xây dựng đề minh họa cho từng môn. Hội đồng chuyên môn của Sở sẽ thẩm định những đề này, từ đó xây dựng thư viện đề thi dùng chung cả thành phố, kèm bài giảng, video của giáo viên.
Với các trường ở vùng khó khăn, ông Hưng cho biết Sở sẽ cử giáo viên, chuyên viên tới dạy các chuyên đề trọng tâm. Hình thức dạy có thể là trực tuyến hoặc trực tiếp.
"Về cơ bản, trường cũng vẫn cần chủ động kế hoạch ôn tập, dựa trên nhu cầu thực tế của học sinh và điều kiện của trường", ông Hưng nói.
Còn tại Bắc Giang, Sở Giáo dục yêu cầu các trường xác định nhu cầu thực tế của học sinh dựa trên số liệu thống kê môn thi tốt nghiệp, từ đó phân nhóm ôn tập.
"Với những tổ hợp đông học sinh lựa chọn, trường phải tập trung nguồn lực, song cũng không được bỏ quên những tổ hợp được chọn ít hơn, đảm bảo mọi học sinh đều được hỗ trợ", một cán bộ Sở cho biết.
Giáo viên Bắc Giang cũng sẽ tổ chức các buổi phân tích cấu trúc đề tham khảo thi tốt nghiệp, những lỗi sai học sinh thường gặp, từ đó hướng dẫn các em một số kỹ thuật làm bài.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra trong hai ngày 26-27/6 với khoảng 1,1 triệu thí sinh tham dự, tăng 40.000 so với năm ngoái. Đây là lần đầu kỳ thi tốt nghiệp diễn ra theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cuối tuần trước, tại buổi tập huấn về kỳ thi tại TP HCM, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đề nghị tất cả địa phương tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12.
Tin tức liên quan
Thứ ba, 13/6/2023, 10:07 AM
Thứ tư, 3/8/2022, 08:13 AM
Thứ sáu, 26/8/2022, 07:54 AM
Thứ tư, 3/8/2022, 06:46 AM