Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, về dạy và học thêm do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 30/12/2024, có hiệu lực từ ngày 14/2, với 6 điểm mới. (Xem toàn văn Thông tư 29 quy định về việc dạy thêm và học thêm TẠI ĐÂY ).
Thứ nhất, theo quy định của Thông tư 29, chỉ 3 trường hợp được dạy thêm trong nhà trường gồm: Học sinh giỏi, học sinh có kết quả chưa đạt và học sinh cuối cấp.
Thứ hai, việc dạy và học thêm trong nhà trường không được thu tiền. Có thể thấy, ở quy định cũ, việc dạy thêm trong nhà trường được thu tiền và mức thu theo thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh và nhà trường.
Nhưng ở quy định mới, việc dạy thêm trong nhà trường hoàn toàn không được thu tiền.
Thứ 3, ngoài nhà trường, giáo viên muốn dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, không được dạy thêm thu tiền học sinh chính khóa dù ở nhà hay ở trung tâm.
Các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Điểm mới thứ 4, theo quy định của Thông tư 29, việc dạy thêm là hoạt động dạy học phụ thêm, góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
Thứ 5, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục trong khi thông tư cũ không nêu rõ giáo viên dạy thêm ngoài trường cần xin phép người đứng đầu hay không.
Điểm mới thứ 6 mà Thông tư 29 đưa ra, quy định rõ hơn về việc dạy thêm thu tiền phải đóng thuế.
Cụ thể tại khoản 2 Điều 7 Quản lý thu tiền dạy thêm, học thêm quy định: Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm.
Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Theo một số chuyên gia, nền giáo dục không có dạy, học thêm là mong ước của mọi quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại ở nước ta, với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nhiều ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân xuất phát từ thu nhập của giáo viên, khiến họ phải dạy thêm để cải thiện đời sống. Để giải quyết tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, liệu có thể quy kết toàn bộ cho giáo viên hay phải thực sự thừa nhận: Đấy là nhu cầu của cả hai bên?
Nếu nhà trường dạy đủ chất lượng, phụ huynh không có nhu cầu cho con vào trường chuyên lớp chọn, liệu việc học thêm có bị đẩy lên thành cao trào?