Các trường đại học xét tuyển chứng chỉ SAT năm 2024 tại Hà Nội
Thứ sáu, 12/4/2024, 01:51 AM
Chưa đến 20 trường đại học công lập tại Hà Nội xét tuyển chứng chỉ SAT năm 2024.
Giải pháp căn cơ nào để giải quyết gốc rễ căng thẳng trong tuyển sinh vào lớp 10 ở các thành phố lớn?
TS Trần Vân Anh - Phó phòng Đào tạo Ban Mai School - cho rằng, giải pháp căn cơ để giải quyết gốc rễ căng thẳng trong tuyển sinh vào lớp 10 ở các thành phố lớn - đặc biệt Hà Nội - không chỉ là trách nhiệm của ngành Giáo dục, mà còn cần sự vào cuộc của nhiều ngành và phải hành động quyết liệt.
Nguyên nhân do đâu?
- Việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở các thành phố lớn, đặc biệt Hà Nội ngày càng căng thẳng, áp lực, quá tải không chỉ ở khối công lập mà với cả khối tư thục. Theo bà, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Tuy chưa có khảo cứu với các số liệu chi tiết, cụ thể, nhưng bằng quan sát và phân tích có thể thấy nổi lên những nguyên nhân cơ bản:
Một là, dân cư sinh sống ở Hà Nội tăng cơ học nhanh nhưng trường học trong các quận nội thành không đủ để đáp ứng nhu cầu. Nhà cao tầng, khu đô thị tập trung vào nội đô khiến mật độ cư dân ngày càng đông đúc, trẻ em trong độ tuổi đi học tăng nhanh, gây áp lực lên hệ thống giáo dục.
Tuy nhiên, trường học tại các khu vực đông đúc cư dân và khu đô thị mới không thể tăng hoặc mở rộng diện tích nhanh như tốc độ tăng số lượng trẻ em trong độ tuổi đi học. Tính tổng thể, thành phố có 2.845 trường ở 30 quận, huyện, thị xã, trong đó hơn 2.200 trường công, gần 600 trường tư thục; nhưng do mật độ phân bố cư dân không đều, dẫn đến việc thiếu trường ở những nơi đông dân cư.
Hai là, tỷ lệ học sinh vào trường công theo chỉ tiêu năm nay chỉ chiếm 55% cũng làm gia tăng độ khó của vào công lập. Năm học 2023 - 2024, toàn thành phố có trên 129 nghìn học sinh xét tốt nghiệp THCS, trên 104 nghìn thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, số chỉ tiêu vào công lập là 69.805, chưa tính các trường chuyên. Như vậy, khoảng trên 30 nghìn học sinh không đỗ vào công lập sẽ tham gia học tại các trường công tự chủ tài chính, trường tư, trường nghề.
Thêm vào đó, theo số liệu trên trang web của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong hơn 129 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS có hơn 100 nghìn đăng ký thi vào 10 công lập và còn hơn 20 nghìn học sinh chủ động không đăng ký, chưa rõ số lượng học sinh này đã ổn định ở loại hình trường nào.
Học sinh không đỗ trong kỳ thi chỉ có thể cạnh tranh số chỉ tiêu còn lại ở các trường tư. Trong thời gian ngắn và sức ép tìm chỗ học cho con, bố mẹ có thể hoang mang, lo lắng, gia đình “chạy đôn chạy đáo” để tìm và nộp hồ sơ vào những trường còn chỉ tiêu tuyển sinh cũng khiến gia tăng tình trạng nhốn nháo.
Ba là, bố mẹ muốn chọn trường tốt, uy tín cho con học nhưng có thể chậm trong tiếp cận các phương án dự phòng. Các trường được ghi nhận và nhắc tên trong các bài báo phản ánh hiện tượng bố mẹ chen chúc nộp hồ sơ có đặc điểm chung là trường đặt tại khu vực dân cư đông, có uy tín, mức học phí không quá cao như các trường tư thục có chất lượng tương đương.
Bố mẹ mong muốn chọn cho con trường học uy tín, chất lượng tốt là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, nếu có phương án chuẩn bị trước thì sẽ đỡ vất vả, vì các trường công lập tự chủ tài chính, trường tư đều phát hành hồ sơ tuyển sinh từ sớm và có nhiều hình thức tuyển sinh, trong đó có xét tuyển bằng kết quả học tập (bằng học bạ), điểm thi, đăng ký trực tuyến và trực tiếp.
Cho nên, trong khi nhiều bố mẹ phải thức đêm xếp hàng rất khổ sở thì có gia đình đã chủ động lựa chọn đăng ký xét tuyển sớm hoặc tìm trường ở phân khúc khác về chất lượng, chi phí hoặc chấp nhận đi xa nhà một chút.
- Vậy công tác phân luồng, hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tư vấn học tập và tư vấn nghề cho học sinh THCS thì sao, thưa bà?
- Quay trở lại hiện tượng dấy lên trong vài năm trở lại đây, đó là việc giáo viên tư vấn cho học sinh không dự thi vào 10. Đặt vào bối cảnh của 5 năm trước hoặc tình huống đánh giá thành tích dạy học của trường THCS bao gồm cả tỷ lệ học sinh đỗ trường công, dư luận đã rất phẫn nộ trước việc tư vấn đó.
Các cấp quản lý cũng đã chấn chỉnh và thường xuyên rà soát để đảm bảo quyền lợi của học sinh. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như kỳ thi vào 10 năm nay, chúng ta lại thấy, việc tư vấn đó (nhấn mạnh là tư vấn chứ không phải ép buộc) là một giải pháp phân luồng dựa trên năng lực người học.
Trong chương trình ở trường THCS có hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, giúp các em làm quen, tìm hiểu nghề. Lên cấp THPT, học sinh tiếp tục đi sâu và mở rộng hoạt động hướng nghiệp và tìm hiểu các trường đại học. Các trường nghề cũng có hệ đào tạo học sinh sau THCS hệ song bằng, tức là học sinh vừa theo học chương trình giáo duc phổ thông (hệ giáo dục thường xuyên) và chương trình nghề (trình độ trung cấp). Sau 3 năm, học sinh có cả 2 bằng, bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề. Lúc đó học sinh 18 tuổi, có thể tham gia vào thị trường lao động.
Đòi hỏi nhiều ngành vào cuộc
- Thực hiện xã hội hóa giáo dục là tất yếu trong bối cảnh hiện nay và khối ngoài công lập được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, có vẻ tư duy của hầu hết cha mẹ học sinh đều mong con vào trường công lập, ngoài công lập chỉ là lựa chọn trong tình huống bất đắc dĩ. Theo bà, vấn đề về nhận thức nào cần phải thay đổi ở đây?
- Nhiều cha mẹ học sinh chia sẻ nguyên nhân muốn con thi vào lớp 10 công lập với không ít lý do như học phí rẻ, chất lượng tốt, gần nhà. Tuy nhiên, ngay cả khi gia đình có tài chính, nhà không gần trường, nhưng bố mẹ vẫn muốn con vào trường công vì chi phí thấp, nền nếp truyền thống, sợ trường tư thục chất lượng giáo dục không tốt, học sinh hư, môi trường giáo dục thiếu nền nếp.
Cách đây 20 năm, lứa chúng tôi thi vào lớp 10 đã tồn tại quan niệm (dù không thành văn nhưng khá phổ biến) về sự phân cấp học lực. Thi vào chuyên là học sinh giỏi xuất sắc; thi vào trường công lập có danh tiếng là học sinh giỏi; thi vào trường công lập thường là học sinh khá; phải vào các trường dân lập (giờ là loại hình trường tư thục) là học sinh trung bình; các trung tâm giáo dục thường xuyên dành cho học sinh yếu. Song song với lực học là hạnh kiểm. Các trường lấy điểm thi càng cao, học sinh vừa giỏi vừa ngoan, các trường lấy điểm thấp, học sinh vừa dốt vừa không ngoan, còn trường giáo dưỡng thì dành học sinh hư.
Ngày nay, những học sinh lớn lên trong quan điểm đó trở thành các ông bố, bà mẹ, và dù đã ít đi định kiến, thì quan niệm trên vẫn còn, mặc cho bối cảnh kinh tế - xã hội, chính sách và chương trình giáo dục đã thay đổi. Các trường tư bây giờ đã phát triển hơn cả về số và chất lượng, rất nhanh bắt kịp các xu hướng giáo dục thế giới. Có một bộ phận cha mẹ đã nắm bắt xu hướng của giáo dục tư thục, tư duy đổi mới đã lựa chọn trường tư cho các con.
Nhiều trường ngoài công lập rất có uy tín trên địa bàn Hà Nội thu hút học sinh và bố mẹ quan tâm. Tuy vậy, nhiều bố mẹ có xu hướng cho con trải nghiệm các môi trường học tập khác nhau, hoặc do thay đổi hoàn cảnh sống, gồm cả địa điểm và thu nhập gia đình, nên cũng có trường hợp chuyển trường từ trường công sang trường tư và ngược lại.
Như vậy, về pháp lý, trường công lập và trường ngoài công lập đều đáp ứng quyền được học tập của học sinh, các em được bình đẳng như nhau về cơ hội giáo dục. Mặt khác, trường tư thục cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục để xây dựng thương hiệu.
- Bà có thể gợi ý một số giải pháp căn cơ, giúp “giảm nhiệt” cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay?
- Bài toán “giảm nhiệt” kỳ thi vào lớp 10 vẫn xuất phát từ mối quan hệ cung - cầu giữa khả năng đáp ứng của trường học với nhu cầu học tập của học sinh. Trong đó, do chưa đủ trường công, phân bổ trường không phù hợp mật độ học sinh.
Theo tôi, giải pháp căn cơ để giải quyết gốc rễ vấn đề không chỉ là trách nhiệm của ngành Giáo dục. Đó còn là vấn đề lớn ở tầm vĩ mô, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành và phải hành động quyết liệt. Trước tiên, giải quyết bất cập giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch mạng lưới giáo dục ở Thủ đô, quản lý đô thị với nhu cầu học tập thực tế của học sinh. Trong đó có đẩy nhanh tốc độ xây dựng trường học ở các khu đô thị có quỹ đất xây trường chưa thực hiện, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực đầu tư nâng cao dịch vụ giáo dục.
Đối với ngành Giáo dục, có thể dùng chính sách để điều tiết phân bổ học sinh giữa các khu vực, trong khu vực kết hợp nội đô và ngoại thành, mở địa bàn ra theo các trục đường giao thông chính. Hiện tại, khu vực tuyển sinh 2 gồm Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; khu vực tuyển sinh 3 gồm: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy là những quận nội đô.
Đối với các trường, thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp và tư vấn học tập hiệu quả. Khuyến khích học sinh chủ động lựa chọn loại hình trường học phù hợp mục tiêu và năng lực bản thân, không đưa kết quả thi vào 10 để đánh giá thành tích dạy học, tôn trọng các lựa chọn khác nhau, cho dù học sinh lựa chọn thi chuyên, thi vào lớp 10 trường công hay trường tư, du học hay học nghề sau THCS.
Lựa chọn con đường phù hợp
- Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm giảm áp lực cho trẻ và phụ huynh mỗi khi con thi chuyển cấp?
- Là một người mẹ, tôi cũng từng trải qua giai đoạn đồng hành với con qua kỳ thi vào 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kinh nghiệm của tôi là chủ động, lấy con làm trung tâm.
Thứ nhất, định hướng cho con dựa trên năng lực và sở thích. Con tôi không phải học sinh xuất sắc, nên không chọn theo đuổi con đường ôn luyện vào trường chuyên. Tôi nghĩ việc lựa chọn con đường phù hợp với học sinh là yếu tố quan trọng để con có thời gian học tập kiến thức và hoạt động học hành các kỹ năng thiết yếu của cuộc sống.
Thứ hai, chủ động tìm kiếm nhiều lựa chọn và cho con cơ hội thử nghiệm. Ngay từ đầu năm lớp 9, bên cạnh việc tăng cường các môn học ôn thi vào 10, tôi cùng con tìm kiếm thêm các lựa chọn khác. Con cũng đăng ký trải nghiệm ở trường nghề du lịch và rất thích học nghề đó.
Tôi cùng con lập một danh sách tiêu chí chọn trường, sau đó đến trực tiếp từng trường để xem xét sự phù hợp và chọn được trường đúng như con mong muốn. Tôi được biết nhiều bố mẹ đã đăng ký, nộp phí ở trường tư thục trước, nếu con đỗ công lập thì rút hồ sơ, chấp nhận mất tiền phí ghi danh, giữ chân, nếu con không đỗ công lập thì chắc chân ở trường tư, không phải lo lắng chạy tìm trường.
Thứ ba, trao quyền quyết định và ủng hộ con. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm nghề thì con muốn học nghề thay vì vào lớp 10 trường công. Mặc dù điểm thi của con cao hơn điểm nguyện vọng 1 trường đã đăng ký nhưng con vẫn lựa chọn học nghề. Con nói, thi vào 10 để mọi người biết là con đỗ vào 10 trường công nhưng vẫn học nghề chứ không phải thi không đỗ vào 10 mới phải học nghề. Cho đến khi tốt nghiệp THPT với 3 năm loại giỏi, cộng với một bằng nghề và thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, con hoàn toàn hài lòng với lựa chọn của mình. Hiện nay, con là sinh viên ngành Quản trị du lịch của một trường đại học ở Hà Nội.
Cuối cùng, bố mẹ nên làm các việc cho con, vì con, dựa trên phân tích điều kiện gia đình, năng lực của con và tôn trọng quyết định của con, thay vì chạy theo dư luận và số đông. Và quan trọng, đứa trẻ cảm nhận được yêu thương và tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình, dù là quyết định lớn hay quyết định nhỏ. Điều này không phải là kết quả, đó là một quá trình dài thực hiện kiên định việc nuôi dạy con là chính mình, không so sánh với con nhà người ta.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(theo giaoducthoidai)
Tin tức liên quan
Thứ ba, 13/6/2023, 10:07 AM
Thứ tư, 3/8/2022, 08:13 AM
Thứ sáu, 26/8/2022, 07:54 AM
Thứ tư, 3/8/2022, 06:46 AM