time Hà Nội, emailEmail: cskh@fschool.vn
link-linkdin link-facebook link-twitter link-ggplus
Thứ trưởng Giáo dục: Cân nhắc bỏ 'xét tuyển sớm'

Thứ trưởng Giáo dục: Cân nhắc bỏ 'xét tuyển sớm'

Thứ hai, 9/12/2024, 09:58 AM

Chia sẻ

Thứ trưởng Giáo dục Hoàng Minh Sơn nói nhiều ý kiến đề xuất bỏ xét tuyển sớm, Bộ đang cân nhắc.

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường chỉ được xét tuyển sớm 20% chỉ tiêu. Hiện, các trường xét sớm bằng cách dùng học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực....
- Chiều 7/12, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết điều chỉnh này căn cứ thực tiễn tuyển sinh đại học trong nhiều năm, lắng nghe ý kiến chuyên gia, trường đại học, nhà quản lý giáo dục phổ thông...
"Việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh phải dựa trên nguyên tắc công bằng, chất lượng, nâng cao hiệu quả, tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường", Thứ trưởng Sơn nói.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Nhật Bắc

- Theo Thứ trưởng Sơn, xét tuyển sớm "như tạo nên một cuộc chạy đua". Một trường tổ chức xét tuyển sớm khiến nhiều trường không đứng yên được và cũng làm theo.
"Nhưng nếu tất cả cùng tham gia cuộc chạy đua này thì đều vất vả. Cơ sở đào tạo phải chuẩn bị hồ sơ từ sớm. Học sinh đang học cũng phải chạy đôn chạy đáo làm hồ sơ. Thầy cô giáo phải xác nhận sớm cho học sinh. Nhưng hiệu quả mang lại thì không cao", ông Sơn phân tích.
Theo thống kê của Bộ, cứ 8 nguyện vọng xét tuyển sớm mới có một nguyện vọng nhập học. Cứ hai thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm thì chỉ có một em nhập học.
Xét tuyển sớm do các trường tự tổ chức, nên khi Bộ xét tuyển chung thì sẽ tạo ra tỷ lệ ảo. Điều này khiến các trường xác định chỉ tiêu và điểm chuẩn không chắc chắn.
"Xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập khi các em chưa hoàn thành chương trình THPT nên cũng tạo ra sự không công bằng", ông Sơn nói. Ngoài ra, nhiều trường THPT phản ánh có tình trạng học sinh đã trúng xét tuyển sớm rồi đến lớp chỉ để chơi. Hệ quả là tác động đến chất lượng giáo dục phổ thông.
"Xét về cả khía cạnh công bằng, chất lượng, hiệu quả, sự thuận lợi, Bộ đã lắng nghe để điều chỉnh quy chế xét tuyển đại học", ông Sơn cho hay. Giải thích về việc giảm tỷ lệ xét tuyển sớm còn 20%, ông nói để các trường tuyển được những học sinh có năng lực vượt trội. Những em còn lại vào đợt xét tuyển tập trung để đảm bảo công bằng, chất lượng, thuận lợi.
"Tôi đã lắng nghe nhiều chuyên gia đồng thuận, thậm chí nhiều người còn đề xuất bỏ xét tuyển sớm, nên chúng tôi sẽ cân nhắc để lại tỷ lệ 20% hoặc bỏ", ông Sơn cho hay.

- Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 cho phép các trường tự chủ tuyển sinh. Từ năm 2019, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được xác định với mục đích chính là xét tốt nghiệp, việc xét tuyển đầu vào đại học với nhiều phương thức nở rộ. Các phương thức phổ biến là xét học bạ, học bạ kết hợp chứng chỉ quốc tế, giải thưởng học sinh giỏi hay điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, vào khoảng tháng 3-5 hàng năm. Cùng đó, các trường vẫn dành chỉ tiêu nhất định để xét bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 7). Điều này dẫn đến cùng một ngành nhưng lại có nhiều "điểm chuẩn", đặc biệt điểm chuẩn từ thi tốt nghiệp bị đẩy lên cao.
Với dự thảo mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ "xét tuyển sớm" là các đợt xét tuyển trước đợt chung của Bộ (sau kỳ thi tốt nghiệp THPT). Như vậy, với 80% chỉ tiêu xét ở đợt chung, các trường vẫn được sử dụng nhiều phương thức. Tuy nhiên, điểm chuẩn đợt sớm không thấp hơn đợt chung và phải quy đổi các phương thức về cùng một thang điểm.
Đây mới là điểm gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia tuyển sinh nhận định việc khắc phục bất cập của xét tuyển sớm là cần thiết, song chưa đồng tình cách làm. Cụ thể, Bộ không đưa ra căn cứ nào cho thấy con số 20% là công bằng. Ngoài ra, kỳ thi tốt nghiệp THPT bị cho không có độ phân hóa bằng các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy để chọn thí sinh chất lượng. Vì thế, việc quy đổi điểm theo thang chung gây rối rắm, khó hiểu.
- Tại hội thảo do Bộ tổ chức ngày 06/12/2024, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, cho rằng con số 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm không mang nhiều ý nghĩa, nên đề xuất mạnh dạn bỏ. TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Đại học Duy Tân và Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Công thương TP HCM, ủng hộ ý kiến này.
Theo ông Sơn, việc Bộ định duy trì xét tuyển sớm với tỷ lệ chỉ tiêu thấp có thể gây lãng phí nguồn lực và thời gian cho cả các trường và thí sinh.
Năm ngoái, 214 trong 322 trường xét tuyển sớm. Số thí sinh trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em, trong đó 147.400 em đặt làm nguyện vọng 1 (gần 40%).
(theo vnexpress)

Tin tức mới nhất

Học liệu mới nhất

Đề cuối kì 1 Toán 9 năm 2024 – 2025

Đề cuối kì 1 Toán 9 năm 2024 – 2025

Thứ năm, 2/1/2025, 09:36 AM

Fschool xin giới thiệu đến quý thầy, cô giáo và các em học sinh lớp 9 đề kiểm tra cuối học kì 1 môn Toán 9 năm học 2024 – 2025 phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Đề thi gồm 01 trang với 05 bài toán dạng tự luận, thời gian làm bài 90 phút, có đáp án chi tiết và hướng dẫn chấm điểm.

logo-FSchool
Kiến tạo thế hệ ưu tú
CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
đã xây dựng thành công một đội ngũ kỹ sư Al/Phần mềm tuyệt vời. Chúng tôi đang tìm cách phát triển quan hệ đối tác chiến lược với các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực mà Al thực sự có thể tạo ra đột phá.
Điều khoản dịch vụ
LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI:
address
Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
phone Hotline: 083 8888 966 mail Email: cskh@fschool.vn earth Website: fschool.vn

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI:

link-linkdin link-facebook link-twitter link-ggplus
2021-2022 © Fschool. All Rights Reserved.