time Hà Nội, emailEmail: cskh@fschool.vn
link-linkdin link-facebook link-twitter link-ggplus
6 thách thức với ngành giáo dục trong năm học mới

6 thách thức với ngành giáo dục trong năm học mới

Thứ ba, 5/9/2023, 01:36 AM

Chia sẻ

Thiếu giáo viên, khó dạy môn tích hợp, bạo lực học đường... là những thách thức trong năm học 2023-2024, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ đánh giá năm học vừa qua, ngành đã triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được nâng lên. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).

Ở bậc đại học, chính sách tự chủ từng bước đi vào thực chất, công tác tuyển sinh ổn định.

Năm học tới, ngành giáo dục vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn. Đây là năm có tính chất "bản lề" của quá trình đổi mới giáo dục ở phổ thông. 9 khối lớp sẽ được dạy theo chương trình mới, song song với thay sách giáo khoa. Còn ở đại học, vấn đề học phí khiến các trường loay hoay trong thế tiến thoái lưỡng nan.

Thiếu giáo viên

Cả nước hiện có 1,23 triệu giáo viên, thiếu 118.200 người. Trong đó, giáo viên mầm non thiếu nhiều nhất, gần 52.000.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân chính là số trẻ mầm non tăng mạnh, bậc tiểu học tăng tỷ lệ học hai buổi mỗi ngày, THPT tăng số lớp, chương trình 2018 có nhiều môn học mới. Năm học qua có hơn 10.000 giáo viên nghỉ hưu, gần 9.300 người bỏ việc.

Thiếu giáo viên nhưng ngành không có nguồn để tuyển. Năm học 2022-2023, các địa phương được giao bổ sung 27.850 người nhưng chỉ tuyển được hơn 17.000. Nhiều người nhìn nhận nghề giáo không còn hấp dẫn do áp lực cao nhưng thu nhập chưa tương xứng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển giáo viên theo chuẩn cũ, tức chỉ cần tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng để dạy tiểu học, THCS, thay vì phải tốt nghiệp đại học như quy định của Luật giáo dục. Các giáo viên sau đó phải nâng cao trình độ để đạt chuẩn.

"Đây được coi là giải pháp tạm thời để có nguồn giáo viên linh hoạt trong việc dạy môn Tin học, Ngoại ngữ", ông Sơn nói.

Những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM còn đối mặt với tình trạng thiếu trường, lớp. Tại Hà Nội, mỗi năm số học sinh tăng thêm 60.000, tương ứng 30-40 trường học nhưng nội thành không còn đất.

Tại TP HCM, học sinh ở mỗi độ tuổi tăng 10.000-15.000 mỗi năm, riêng lớp 6 năm nay tăng 42.000 khiến các trường THCS quá tải. Thành phố này dự tính đến năm 2025 cần bổ sung gần 8.900 phòng học.

Rối ren dạy tích hợp

Theo chương trình mới, học sinh THCS không học Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý riêng lẻ mà học Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, gọi là môn tích hợp. Môn này chỉ cần một giáo viên đảm nhận nhưng hiện các ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý chưa đào tạo ra giáo viên tích hợp.

Để dạy tích hợp, các trường thường bố trí giáo viên dạy các bài học theo thứ tự trong sách, hoặc gom tất cả bài học của từng môn, dạy xong môn này mới tới môn khác. Bản chất vẫn là giáo viên môn nào dạy môn đó.

Giáo viên đơn môn muốn dạy tích hợp cần hoàn thành 20-36 tín chỉ (thường trong khoảng 6 tháng) để lấy chứng chỉ. Nhiều giáo viên nói với khối lượng kiến thức và thời gian như thế không đủ để họ tự tin đứng lớp. Hơn nữa, các bài học trong sách được ghép một cách cơ học. Dù đã trải qua hai năm, hiệu quả dạy tích hợp chưa đạt mục tiêu của chương trình.

Hồi giữa tháng 8, Bộ trưởng Sơn thừa nhận dạy tích hợp là là một trong những khó khăn nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông cho biết "khả năng cao trong thời gian tới, Bộ sẽ đưa ra điều chỉnh với việc dạy tích hợp ở bậc THCS".

Tuy chưa có phương án cụ thể, nhiều người lo nếu quay về dạy đơn môn như cũ sẽ ảnh hướng tới tổng thể chương trình mới; còn nếu tiếp tục thì gây khó khăn, mệt mỏi cho cả thầy và trò.

Một bộ sách giáo khoa của nhà nước?

Từ năm học 2020-2021, khi chương trình mới được áp dụng, việc thay sách được thực hiện song song với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", bỏ độc quyền xuất bản. Chủ trương này được nêu trong Nghị quyết 88 cuối năm 2014 của Quốc hội.

Đến nay, 6 nhà xuất bản, ba công ty cổ phần tham gia biên soạn, phát hành sách. Ba bộ sách được phê duyệt gồm "Cánh Diều", "Chân trời sáng tạo", "Kết nối tri thức với cuộc sống". Năm học này, 9 khối lớp học theo sách mới và tất cả khối lớp sẽ học theo sách mới từ năm sau.

Đầu tháng 8, Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét cho ý kiến về chủ trương, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa. Đoàn giám sát của Quốc hội nhận định việc không tổ chức biên soạn được bộ sách giáo khoa của nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước; nguy cơ gây rủi ro trong trường hợp không có sách hoặc sách không bảo đảm chất lượng. Bộ cũng được yêu cầu đưa ra giải pháp giảm giá thành sách hay tránh lãng phí sách.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị xem xét kỹ vì quay lại dùng một bộ sách sẽ khó đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng và tốn kém. Với 12 triệu học sinh và 9 khối lớp học sách giáo khoa mới, ước tính xã hội đã chi ra hàng chục nghìn tỷ đồng.

Phương án nào thi tốt nghiệp THPT 2025?

Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 trong năm nay.

Hồi giữa tháng 3, Bộ lấy ý kiến về phương án có 6 môn thi, gồm bốn môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ và Sử) và hai môn lựa chọn (Lý, Hóa, Sinh, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Tuy nhiên, hiện các Sở Giáo dục và Đào tạo được yêu cầu lấy ý kiến giáo viên về hai phương án, trong đó điểm khác mấu chốt là có đưa Sử thành môn thi bắt buộc hay không.

Một số giáo viên cho rằng Lịch sử đã là môn học bắt buộc thì đương nhiên thi bắt buộc, nếu không thi, học sinh sẽ bỏ bê không học. Nhiều người khác khẳng định chỉ cần thi 3 môn bắt buộc, giảm áp lực học hành, thi cử cho học sinh và đỡ tốn kém cho xã hội.

Ngoài ra, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế, cho rằng nếu đưa Sử là môn thi bắt buộc sẽ tạo sự mất cân bằng trong các môn thi tốt nghiệp và thiệt thòi cho những học sinh có định hướng theo khoa học tự nhiên.

Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi, việc tuyển sinh đại học cũng phải thay đổi cho phù hợp. Do đó, giáo viên và học sinh đều mong ngóng phương án cuối cùng để có kế hoạch ôn tập sớm.
Đảm bảo an toàn trường học

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối. Năm 2022, theo báo cáo của 49 tỉnh, thành, có 384 vụ bạo lực học đường. Bộ đánh giá con số thực tế lớn hơn rất nhiều với ít nhất gần 7.100 người có nguy cơ liên quan. Bộ đang rà soát để làm mới bộ quy tắc ứng xử trong trường học để giảm tình trạng này.

Bộ Công an cho biết mặc dù học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật chỉ chiếm 2,63% trong tổng số thanh thiếu niên phạm tội, con số này lại có xu hướng tăng với khoảng 30% mỗi năm.

Trong sáu nhóm vấn đề mà Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành giáo dục tập trung tháo gỡ, hai vấn đề đầu tiên là kiên quyết không để ma túy, tệ nạn xã hội vào nhà trường, xâm hại sức khỏe đạo đức, nhân cách người học và khắc phục tình trạng bạo lực, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh.

Học phí đại học

Sau ba năm giữ nguyên, năm nay nhiều trường đưa ra mức học phí tăng mạnh, căn cứ vào nghị định 81 về học phí công lập. Theo đó, trần học phí với các trường chưa tự chủ là 1,35-2,76 triệu đồng một tháng, gấp hai lần mức cũ (0,98-1,43 triệu đồng). Những trường đã tự chủ, tùy mức độ, được thu tối đa gấp 2-2,5 lần (2,7-6,9 triệu đồng). Với chương trình đạt kiểm định chất lượng, các trường được tự xác định học phí.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sau đó đề nghị chưa tăng học phí. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi một số điều của nghị định. Học phí đại học năm học tới có thể vẫn tăng nhưng lùi một năm so với lộ trình ban đầu, tức mức trần là 1,2-2,45 triệu đồng một tháng.

Học phí đại học vẫn là gánh nặng của nhiều gia đình sau hai năm Covid-19. Thế nhưng đây đang là nguồn thu chủ chốt của nhiều trường, chiếm tới 50%, thậm chí 90% tổng nguồn thu. Nếu không tăng, các trường còn khó đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư cho nhân lực, chưa nói đến nâng cao cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy, nghiên cứu.

(theo vnexpress)

Tin tức mới nhất

Học liệu mới nhất

Đề cuối kì 1 Toán 9 năm 2024 – 2025

Đề cuối kì 1 Toán 9 năm 2024 – 2025

Thứ năm, 2/1/2025, 09:36 AM

Fschool xin giới thiệu đến quý thầy, cô giáo và các em học sinh lớp 9 đề kiểm tra cuối học kì 1 môn Toán 9 năm học 2024 – 2025 phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Đề thi gồm 01 trang với 05 bài toán dạng tự luận, thời gian làm bài 90 phút, có đáp án chi tiết và hướng dẫn chấm điểm.

logo-FSchool
Kiến tạo thế hệ ưu tú
CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
đã xây dựng thành công một đội ngũ kỹ sư Al/Phần mềm tuyệt vời. Chúng tôi đang tìm cách phát triển quan hệ đối tác chiến lược với các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực mà Al thực sự có thể tạo ra đột phá.
Điều khoản dịch vụ
LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI:
address
Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
phone Hotline: 083 8888 966 mail Email: cskh@fschool.vn earth Website: fschool.vn

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI:

link-linkdin link-facebook link-twitter link-ggplus
2021-2022 © Fschool. All Rights Reserved.